Khánh thành tượng đài Bác Hồ với nông dân Việt Nam

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Lễ khánh thành tượng đài Bác Hồ với nông dân Việt Nam (Ảnh: TTXVN).

Tối 12-12, tại Quảng trường Thái Bình (tỉnh Thái Bình), Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thái Bình tổ chức trọng thể Lễ khánh thành tượng đài Bác Hồ với nông dân Việt Nam.
Tới dự lễ khánh thành có đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng; đồng chí Trần Cẩm Tú, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; đồng chí Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương; đại biểu các bộ, ban, ngành Trung ương; đại biểu các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Hồng cùng đông đảo các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.

Thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh, đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình, báo cáo quá trình xây dựng tượng đài Bác Hồ với nông dân Việt Nam. Theo đó, thể theo nguyện vọng của cán bộ và nhân dân, được sự nhất trí của Trung ương, công trình Đền thờ Bác Hồ được tỉnh Thái Bình khởi công xây dựng ngày 25-8-2014 và Tượng đài Bác Hồ với nông dân Việt Nam được triển khai xây dựng từ tháng 10-2018 đến nay đã hoàn thành.

Công trình Đền thờ Bác Hồ và Tượng đài Bác Hồ với nông dân Việt Nam nằm trong quần thể kiến trúc Quảng trường Thái Bình thuộc phường Hoàng Diệu (TP Thái Bình). Đền thờ Bác Hồ được thiết kế theo ý tưởng đình làng với mái cong truyền thống của đồng bằng sông Hồng, đồng thời mang hơi thở của thời đại mới. Diện tích 3.500 m2, Đền tọa lạc trên đỉnh đồi cao, uy nghiêm và tạo được nhiều lớp kiến trúc gồm Nghi môn, gian tiền tế, đại bái và hậu cung đền thiết kế theo phong cách truyền thống.

Đền thờ Bác Hồ mang phong cách Á Đông, gần gũi, trang nghiêm, đậm bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, là công trình tâm linh để nhân dân, nhất là bà con nông dân cả nước, du khách gần xa có dịp bày tỏ lòng biết ơn, niềm thành kính, dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại – vị cha già dân tộc.

Tượng đài Bác Hồ với nông dân Việt Nam nằm trong quần thể kiến trúc Quảng trường Thái Bình được làm bằng chất liệu đá xanh. Hình ảnh Bác được đặt ở vị trí trung tâm, chung quanh là các hình tượng cụ già, phụ nữ, thanh niên, trẻ em… đang hướng về Bác, thể hiện sự kính yêu vô bờ bến. Bằng tất cả các đường nét hài hòa, tinh tế, tượng đài đã thể hiện đậm nét và sinh động những tình cảm mà lúc sinh thời, Bác dành cho giai cấp nông dân và mỗi người nông dân đối với Bác.

Chung quanh tượng đài là các mảng phù điêu thể hiện phong cảnh làng quê Việt Nam, đời sống sinh hoạt, lao động của nông dân Việt Nam, đặc biệt là hình ảnh của những người nông dân Việt Nam trong công cuộc xây dựng nông thôn mới. Cùng với đó là hình ảnh làng nghề, hoạt động văn hóa, hình ảnh chùa Keo, lễ hội đền Trần, múa rối nước… những họa tiết thể hiện sắc thái đặc trưng văn hóa Thái Bình.

Phát biểu chỉ đạo tại Lễ khánh thành tượng đài Bác Hồ với nông dân Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Thái Bình đã vinh dự được năm lần đón Bác về thăm. Mỗi lần Bác về thăm là mở ra một chặng đường lịch sử mới, tiếp thêm sức mạnh cho phong trào cách mạng của tỉnh.

Trong nhiều năm theo dõi Báo “Thái Bình tiến lên”, Bác đã thưởng Huy hiệu cho 67 người tốt việc tốt; khen 41 giáo viên dạy giỏi, 197 học sinh giỏi. Bác đã hai lần gửi Thư khen Hợp tác xã Tân Phong, Đông Bình cách chăn nuôi trâu, bò giỏi; khen ngợi Hợp tác xã Hiệp Hòa trồng cây giỏi, khen đội Thủy lợi Quang Trung làm thủy lợi giỏi. Bác gửi Tỉnh ủy ba tấm ảnh có chữ ký của Người làm phần thưởng. Đầu năm 1969, cả Ban Thường vụ Tỉnh ủy được vào thăm và chụp ảnh với Bác.

Việc xây dựng Tượng đài Bác Hồ với nông dân tại Thái Bình là việc làm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đáp ứng được nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân Thái Bình, thể hiện được tình cảm của Bác Hồ dành cho người dân Thái Bình, cũng như tình cảm, lòng kính yêu và sự tri ân của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thái Bình đối với Bác Hồ kính yêu.
Nhân đây, Thủ tướng Chính phủ đề nghị tất cả người dân hãy cùng nhau lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa tinh thần ý chí, khát vọng mạnh mẽ về một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng. Nông dân Việt Nam chiếm hơn 1/2 dân số, vì vậy chúng ta cần gắng sức để làm cho đời sống người nông dân tiến nhanh hơn cùng với cả nước.

Thủ tướng mong muốn, cần phải hình thành một lớp người nông dân mới, lớp nhà nông 4.0. Đó là lớp nhà nông có ý chí tinh thần tự lực tự cường, không trông chờ ỷ lại. Cần thay đổi tư duy về vai trò, vị thế của người nông dân trong xã hội, người nông dân phải thay đổi tư duy về sản xuất, áp dụng mô hình sản xuất hiện đại trên nền tảng học hỏi và tiếp thu các tiến bộ công nghệ vào sản xuất, thúc đẩy tăng năng suất và thu nhập một cách bền vững.

Toàn cảnh lễ khánh thành tượng đài Bác Hồ với nông dân Việt Nam.

Kết thúc lễ khánh thành tượng đài Bác Hồ với nông dân Việt Nam là chương trình nghệ thuật đặc biệt “Thái Bình, đất tỏa danh hương” thời lượng 45 phút, gồm ba chương. Chương 1: Thái Bình, miền đất cổ ngàn năm văn hiến; chương hai: Thái Bình, vùng quê cách mạng và chương 3: Thái Bình, tiềm năng, hội tụ và phát triển do nam nữ diễn viên Trung ương và địa phương biểu diễn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *